Lịch sử phát triển Chủ_nghĩa_trọng_thương

Chủ nghĩa trọng thương được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu với những đại biểu như William Stafford (1554-1612, người Anh), Thomas Gresham (1519-1579, người Anh) và Gasparo Scaruffi (1519-1584, người Ý) với lý thuyết cân đối tiền tệ, chủ trương tăng sở hữu tiền như một dạng của cải thông qua luật định. Chủ nghĩa trọng thương giai đoạn này còn được gọi là chủ nghĩa trọng kim.

Giai đoạn sau phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ 17 với những người đại diện là Thomas Mun (1571-1641, người Anh) và Antoine de Montchrétien (1576-1621, người Pháp) với luận thuyết cân đối thương mại chủ động. Chủ nghĩa trọng thương giai đoạn này còn được gọi là chủ nghĩa thặng dư thương mại.

Tuy những nhà hoạt động kinh tế nói trên sống ở các nước khác nhau và không có sự trao đổi gì với nhau nhưng họ đã có những quan điểm trùng hợp. Trường phái này không chỉ biểu hiện qua lý thuyết, mà còn là một phần của truyền thống văn hóa-chính trị.

Chủ nghĩa trọng thương bắt đầu thoái trào từ thế kỷ 18. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa trọng thương không thể đáp lại một cách thuyết phục trước những phê phán đối với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Chủ nghĩa trọng nông có cơ sở chính ở Pháp là những tư tưởng kinh tế đầu tiên cố gắng phủ nhận chủ nghĩa trọng thương. Và cho đến khi kinh tế học cổ điển hình thành rõ ràng nhờ Adam Smith, thì chủ nghĩa trọng thương kết thúc, về mặt lý luận. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó tới chính sách kinh tế của các nhà nước thì vẫn còn tiếp tục, thậm chí cho đến tận thế kỷ 20.